Sách "Chùa Việt Nam", NXB Thế giới, 2009

Picture
Tác giả: Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long
Biên tập: Lê Văn Lan, Nguyễn Duy Chiếm
Nhà xuất bản: Thế giới
Năm xuất bản: 7/2009
464 trang, khổ 22cmx26cm
Giá bán: 396.000 đồng


Bài: Giới thiệu Sách Chùa Việt Nam, PGS. Cao Xuân Phổ

Liên hệ tác giả: Nguyễn Văn Kự, 0903265331, [email protected]
Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu Công nguyên. Trung tâm Phật giáo sớm nhất ở Giao Châu (tên gọi Việt Nam dưới sự thống trị của nhà Hán) là Luy Lâu, tức vùng Dâu, nay là Thuận Thành, Bắc Ninh. Các ngôi chùa cũng bắt đầu xuất hiện từ đó. Do lịch sử du nhập Phật giáo nên phần lớn chùa Việt Nam là chùa Đại Thừa (Mahayana).

Cách nay một nghìn năm, ở các thế kỷ X, XI, Vương triều Đinh, Tiền Lê, đặc biệt là nhà Lý, đã cho xây dựng những ngôi "quốc tự" nguy nga, đồ sộ. Từ ấy đến nay, hàng nghìn, hàng vạn ngôi chùa mọc lên trong các thời gian khác nhau và trên các không gian khác nhau ở Việt Nam, cho đến lúc mỗi làng có một ngôi chùa - đó là những ngôi "chùa làng". "Đất vua, chùa làng" - một câu cổ ngữ rất hay, nhắc lại điều luật tối thượng và tối thiết của triều đình, nhưng là để khẳng định vị trí quan trọng lớn lao của các ngôi "chùa làng". Những hình ảnh và giá trị nghìn năm của cả những ngôi "quốc tự" và "chùa làng" trên mọi miền đất nước như thế, đang được chung đúc lại trong sách "Chùa Việt Nam" qua các phần:

Phần I - Công trình nghiên cứu của Giáo sư Hà Văn Tấn về toàn cảnh các ngôi chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, và trong đời sống văn hoá dân tộc, cũng như là đặc điểm Phật giáo và văn hoá tâm linh của dân tộc được thể hiện ở các ngôi chùa Việt Nam. “Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta không những thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hoá và tư tưởng Việt Nam"…. (GS. Hà Văn Tấn).

Phần II - Hình ảnh về tiểu dẫn về lịch sử hình thành, phát triển của 99 ngôi chùa tiêu biểu trên khắp miền đất nước. Qua gần 900 bức ảnh màu, và đen trắng, bản vẽ, bản đồ giới thiệu cảnh quan nội thất, sinh hoạt, kiến trúc, nghệ thuật và đặc trưng các ngôi chùa của các tác giả Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long và đặc biệt là sự tham gia của Đại đức Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương Tích, Hà Nội, các Sư Thầy ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt cùng với sự cộng tác của nhiều tác giả khác.

Phần III. Danh sách các ngôi chùa được Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là "Di tích lịch sử - Văn hoá"  (tính đến ngày 31/12/2007).

Bạn đọc sẽ tìm thấy ở tập sách dầy dặn công phu, in và trình bày đẹp này, một khối lượng kiến thức và thông tin bổ ích, sinh động, có giá trị như một bách khoa thư về kho tàng Di sản văn hoá và tôn giáo - tín ngưỡng vô giá của dân tộc: "Chùa Việt Nam".

Hình ảnh một số ngôi chùa, trích từ tư liệu của các tác giả: Chùa Phật Tích, Chùa Dạm, Chùa Long Đọi, Chùa Bà Đanh, Chùa Phổ Quang, Chùa Chuông.