Tứ trấn Thăng Long

Ảnh: Nguyễn Văn Kự
Ghi chú: Tứ Trấn đặt ở bốn hướng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc. Do vậy Tứ Trấn còn được gọi là Tứ Chính. Tứ Trấn ta xem ở đây là Tứ Trấn "hẹp" (phân biệt với Tứ Trấn "rộng" gồm Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Đông tức Hải Dương).Tứ trấn hẹp gồm Đông Trấn, Bắc Trấn, Tây Trấn và Nam Trấn.
Đông Trấn có đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long (ảnh 1 từ trái). Phía Đông là phía mặt trời mọc, còn biểu tượng của mặt trời là ngựa trắng. Do vậy Ngựa Trắng được thờ ở đền trấn giữ phía Đông, là phía mặt trời mọc.
Bắc Trấn có đền Quan Thánh. Thực ra phải gọi Đền này là Quán (nơi thờ Thánh của Đạo). Nơi này thờ ông Trấn Vũ, là Huyền Thiên, người trấn giữ phương Bắc, cho nên người ta gọi đó là Quán Trấn Vũ hay Quán Huyền Thiên. "Huyền" có nghĩa là Huyền ảo, Huyền hoặc, nhưng cũng có nghĩa là Đen. Đen theo thuật phong thủy tượng trưng cho phương Bắc. Do vậy tượng ông Thánh đồng đen thờ ở đây là tượng trưng cho phương Bắc.
Tây Trấn là đền thờ Thánh Linh Lang. Phía ngoài có đắp hai con voi quỳ nên còn gọi là Đền Voi Phục. Vua cho chỗ này một số bằng, sắc giữ lệ thờ cúng nên đền còn tên nữa Thủ Lệ.
Nam Trấn là đền Kim Liên. Đền có tên này từ thời Vua Thiệu Trị. Khi lên làm vua, ông ra lệnh tất cả chỗ nào có chữ Hoa là tên mẹ ông thì phải đổi. Chỗ này gốc là làng Kim Hoa, nhưng vì kiêng chữ nên phải đổi thành Kim Liên. Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn, được coi là họ hàng hoặc chính là ông Thần Núi Tản Viên. Ông Thần núi Tản luôn được coi là Thần trấn giữ phương Nam.

(Nguồn: theo GS sử học Lê Văn Lan, 2009)